Du lịch biển đảo Việt Nam “chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế vốn có”

Khai thác du lịch biển đảo Việt Nam còn hạn chế, ít hoạt động bổ trợ nghỉ dưỡng, tham quan, còn bất cập về môi trường, quy hoạch, theo giới chức và chuyên gia.

Chiều 9/12, trong hội thảo về Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam – Thời cơ, thách thức và giải pháp, tại Đà Nẵng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Văn Việt, cho hay du lịch biển đảo Việt Nam đã khẳng định được vị thế, vai trò và mang lại nhiều kết quả cho ngành du lịch, nhưng việc khai thác “chưa tương xứng tiềm năng và lợi thế vốn có”.

Với đường bờ biển hơn 3.260 km, hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ, khoảng 125 bãi biển, nhiều bờ cát trắng và vịnh biển hoang sơ, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch biển đảo. Nhiều nơi được bình chọn vào danh sách những bãi biển đẹp nhất hành tinh.

Thời gian qua, các hoạt động du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động ngành du lịch. Trong giai đoạn 2010 – 2019, lượng khách đến các địa phương ven biển tăng nhanh hơn tốc độ bình quân cả nước, với 13,6% một năm đối với khách quốc tế và 12,3% đối với khách nội địa.

Du khách vui chơi trên bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Du khách vui chơi trên bãi biển Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Theo Thứ tưởng Đoàn Văn Việt, du lịch và dịch vụ biển được xác định là ngành kinh tế biển đến năm 2030. Du lịch biển đảo cũng là một trong bốn dòng sản phẩm chủ đạo. Tuy nhiên các hoạt động vẫn còn hạn chế, như việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho du lịch biển chỉ dừng ở ven bờ. Các hoạt động bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều, còn những bất cập về môi trường, quy hoạch. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và thế giới thông qua đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới cũng chưa tốt.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết du lịch biển đảo Đà Nẵng đã có thương hiệu nhưng so với tiềm năng thì phát triển chưa tương xứng. Các hoạt động thể thao, giải trí biển còn ít, mới thu hút được đối tượng khách phổ thông, chưa có phân khu riêng cho khách cao cấp. Hệ thống cảng, bến thủy nội địa quy mô nhỏ, tạm thời, hạ tầng chưa đảm bảo.

“Việc đầu tư điểm đến, sản phẩm dịch vụ gặp nhiều trở ngại, khó khăn do liên quan đến yếu tố quốc phòng an ninh hoặc chưa phân định được ranh giới hành chính. Cơ chế thu hút đầu tư các loại hình du lịch cao cấp như du thuyền, trung tâm mua sắm, tổ hợp vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế chưa đủ hấp dẫn”, ông Bình nói.

Đồng quan điểm, ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, cho biết cơ sở hạ tầng về du lịch biển đảo tại địa phương còn yếu kém, manh mún. Hệ thống đường bộ cao tốc ven biển để nối thành phố triển khai chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, giảm tính cạnh tranh. Cùng với đó, hạ tầng trên đảo chưa được đầu tư, chỉ khai thác tự phát.

Còn tại Quảng Bình, ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch, nói ngoài một số điểm sáng trong thời gian qua, các sản phẩm du lịch biển chưa đa dạng, chủ yếu là tắm biển và nghỉ dưỡng. Trong tổng số 36 sản phẩm trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có hai điểm du lịch địa phương là bãi tắm biển Bảo Ninh và bãi tắm biển Nhật Lệ, nhưng chuỗi cung ứng dịch vụ đi kèm chưa nhiều.

“Việc quy hoạch khu vực các bãi biển đã được quan tâm nhưng triển khai chưa đồng bộ. Các dịch vụ phụ trợ như trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực còn thiếu. Du lịch biển Quảng Bình mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng vẫn như ‘nàng tiên chưa tỉnh giấc’, chưa hấp dẫn được du khách”, ông Hà nói thêm.

Một dự án ven biển Đà Nẵng đang bỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Đông

Một dự án ven biển Đà Nẵng đang bỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Đông

Trong 156 quốc gia có biển, Việt Nam đứng thứ 27 và là quốc gia có diện tích ven biển lớn trong khu vực Đông Nam Á. Cùng đó, vịnh Hạ Long và vịnh Nha Trang, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong các vịnh đẹp nhất thế giới.

Thứ trưởng nói thêm, với định hướng trong thời gian tới, du lịch biển đảo Việt Nam sẽ chú trọng việc phát triển nghỉ dưỡng biển cao cấp; phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường; phát huy truyền thống văn hóa, phát triển cộng đồng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng song song với phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo, sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí, cần đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm, sinh thái và tâm linh tại các đảo.

Ông Hùng cũng kiến nghị các bộ ngành và địa phương cần thể chế hóa nhiệm vụ giải pháp của các Nghị quyết đảm bảo khuyến khích đầu tư hạ tầng du lịch; Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ khách quốc tế. Đồng thời ngành du lịch phải tạo điều kiện để người dân ven biển chuyển đổi nghề từ các hoạt động có nguy cơ xâm hại, tác động tiêu cực đến biển sang bảo vệ, bảo tồn, tạo sinh kế bền vững.

Nói thêm về giải pháp, theo đại diện ngành du lịch Thừa Thiên Huế và Quảng Bình, để khai thác dịch vụ du lịch biển, đảo đòi hỏi phải có nguồn lực lớn để giải phóng mặt bằng, hạ tầng kết nối toàn tuyến. Sở Du lịch Đà Nẵng kiến nghị các bộ ngành bổ sung nội dung quy hoạch hệ thống cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch vào hệ thống quy hoạch đường thủy nội địa quốc gia để thuận lợi trong kêu gọi nhà đầu tư.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nêu quan điểm cần nhanh chóng đầu tư cho du lịch biển nhưng phải tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. Mặt khác cần chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, phù hợp với sức phát triển của thị trường, dành cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai.

“Trong quá trình định hướng đầu tư cần dành ngân sách cho bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên. Cộng đồng dân cư ven biển cũng phải được tham gia làm du lịch và có quyền lợi thiết thực để chung tay bảo tồn văn hóa bản địa”, ông Tuấn đề xuất.

Một nhóm tình nguyện nhặt rác dưới rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Một nhóm tình nguyện nhặt rác dưới rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông

Hội thảo về Phát triển Du lịch biển đảo Việt Nam nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Đà Nẵng 2022 do Hiệp hội Du lịch Việt Nam chủ trì, khai mạc sáng 9/12. Hội chợ có sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp từ 30 tỉnh, thành phố, 12 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Vnexpress.