Harubang – Biểu tượng độc đáo của hòn đảo Jeju

Đến đảo Jeju bạn sẽ không khó để bắt gặp những bức tượng đá với hình dáng rất độc đáo. Những bức tượng với hình dáng cụ ông, cụ bà đứng cạnh nhau, được người dân nơi đây gọi là tượng “Ông nội – Bà nội”. Vậy những bức tượng này có gì đặc biệt, cùng theo dõi bài viết sau đây của Du Lịch Đại Bàng nhé!

1. Harubang là gì?

Jeju là hòn đảo được hình thành bởi sự phun trào của núi lửa trong một thời gian dài. Bởi vậy, không khó hiểu khi nơi đây ngập tràn đá núi lửa với nhiều hình dạng khác nhau. Người dân trên đảo Jeju thường lấy đá làm nhà, làm hàng rào bao quanh khu vườn hoặc làm thành những cột mốc để phân chia ranh giới. Đá trên đảo Jeju được người dân ví như linh hồn mang đậm dấu ấn lịch sử của hòn đảo thơ mộng này.

Rảo bước trên đảo Jeju, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp vô số những bức tượng với những hình thù kì lạ khắp trên các cung đường đi qua. Những tượng đá hình người trên đảo có tên là Harubang – điểm độc đáo chỉ có duy nhất tại đảo Jeju. Người dân trên đảo kể rằng Harubang là tên gọi của vị thần hộ mệnh làng ven biển từ xưa. Và những tượng đá này đại diện cho sức khỏe, sự thăng tiến, thịnh vượng và cuộc sống ấm no hạnh phúc.

2. Nguồn gốc của Harubang

Harubang là gọi tắt của dol-harubang (dol theo tiếng Hàn có nghĩa là đá, Harubang được hiểu là ông/bà già). Harubang cơ bản mang ý nghĩa và quan niệm như mọi Jangseung trên khắp đất nước Hàn Quốc, nhưng được làm từ đá đen, với đủ các kích thước lớn nhỏ.

Người dân đảo Jeju đã làm nên những bức tượng “Bà nội” và đặt ở cổng làng, họ quan niệm rằng “Bà nội” là nhân vật được coi là người bảo hộ của dân làng, bảo vệ làng thoát khỏi những thiên tai. Đến sau này, người Jeju sử dụng tượng bà nội như những cột mốc phân cách các vùng.

Với những đặc điểm độc lạ ấy, để bảo vệ nét độc đáo trong cảnh quan ở Jeju, những người dân trên đảo đã tạo thêm tượng “Ông nội” và “Bà nội” ở vị trí đối diện nhau để ngăn cản không cho xe tải vào làng. Khoảng cách giữa hai pho tượng là giới hạn cho phép các loại phương tiện có thể lưu thông trên đường làng.

3. Ý nghĩa của Harubang

Khi muốn tính khoảng cách mà bạn đã đi qua trên đảo. Thì con số tượng “Bà nội” bạn đếm được sẽ cho biết được mình đã vượt qua bao nhiêu chặng đường. Dù ngày đẹp trời hay ngày giông bão, ông bà đá đều đóng vai trò như những người vệ sĩ bảo vệ hòn đảo.

Ngoài ra, hai pho tượng được gắn thêm ý nghĩa phồn thực với mong muốn phát triển dân số ở nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ở đây lưu truyền một câu chuyện tâm linh rằng, nếu muốn sinh con trai, thì đặt tay vào mũi “Ông nội”. Muốn cầu sinh được con gái hãy làm tương tự lên mũi “Bà nội”. Còn xoa tay lên đầu là cầu được thông minh, xoa tay lên bụng là cầu ấm no, hạnh phúc.

Từ nhiều năm nay, Harubang được xem là thành công lớn của ngành du lịch xứ Hàn. Nó chỉ đơn giản là những hòn đá lửa, được đục nạo nhỏ xinh, truyền theo những câu chuyện văn hóa đầy ý nghĩa. Harubang đã trở thành biểu tượng của sức khỏe, thịnh vượng, thành đạt và sum vầy con cái. Chính vì vậy,  Harubang đã trở thành món quà đầy ý nghĩa mà bất cứ du khách nào đến thăm Jeju đều muốn tìm kiếm.