[Lào Cai] Đến du lịch Lào Cai bạn nhất định không thể bỏ qua những đặc sản này

Dulichdaibang – Cá hồi Sapa, Gà đen Sapa, Thắng cố Bắc Hà, Cốm Bắc Hà,… là những đặc sản nổi tiếng mà bạn nhất định không thể bỏ qua khi đến với du lịch Lào Cai.

Cá hồi Sapa

Sự có mặt của những chú cá hồi vân giữa núi rừng Tây Bắc khiến cho sản phẩm du lịch Sapa trở nên hấp dẫn hơn, đa dạng hơn. Trại nuôi cá ngay dưới chân Thác Bạc là địa điểm được nhiều du khách ghé thăm nhất, bởi nơi đây gần điểm du lịch và nằm ngay dưới chân Fansipan nên rất tiện dừng chân.

Với khí hậu quanh năm mát mẻ và một mùa đông lạnh thậm chí có cả tuyết bao phủ, cá hồi Sapa có thớ thịt săn, không có mỡ, chất lượng không thua kém cá hồi nhập khẩu, rất thích hợp để chế biến thành nhiều món khác nhau như: gỏi, lẩu, cháo, cá hồi nướng, trứng cá hấp, cá hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột…

Gà đen hầm thuốc bắc

Đây là một giống gà quý hiếm, đặc điểm nổi bật của giống gà này là thịt, xương có màu đen, hàm lượng mỡ trong thịt rất ít, thịt săn chắc, thơm ngon. Thịt gà đen, xương đen, không những có tác dụng tăng cường sinh lực mà còn có hương vị và có giá trị dược liệu đặc biệt trong chữa bệnh tim mạch. Gà đen khi ăn thịt thơm ngọt là đặc sản nổi tiếng của Sa Pa.

Thắng cố Bắc Hà

Là món ăn đặc trưng truyền thống của người dân tộc H’mông, về sau càng được du nhập sang các dân tộc khác như: Kinh, Dao, Tày. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa, về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, thịt lợn. Món thắng cố ngựa này có lịch sử ra đời cách đây gần 200 năm khi mà người Mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú.

Rượu ngô Bản Phố

Rượu ngô Bản Phố hay còn được gọi là rượu ngô Bắc Hà đây là một loại rượu ngon đặc sản của người Mông ở Bản Phố – cao nguyên Bắc Hà – tỉnh Lào Cai. Cùng với rượu Táo Mèo và rượu San Lùng, rượu ngô Bản Phố được xem các danh tửu của Lào Cai. Rượu Bản Phố có màu trong như nước suối, lúc mới uống vào sẽ có hương vị thơm nồng, sau đó là cảm giác êm dịu. Rượu ngô nơi đây say lâu nhưng không làm người có cảm giác mệt mỏi mà đem lại một cảm giác vẫn sảng khoái.

Cốm Bắc Hà

Được làm từ loại nếp trồng trên những nương đồi cao nằm biệt lập cách xa lúa tẻ dùng làm cốm nếp có hương vị thơm ngon núi rừng. Cùng với nghề làm cốm truyền thống của người đồng bào người Tày Bắc Hà càng làm thêm hương vị món cốm ngon hơn bất cứ nơi nào. Đặc biệt cốm Bắc Hà không hề sử dụng bất cứ phẩm màu và chất bảo quản nào tất cả đều tự nhiên. Cốm ăn trực tiếp, ăn với quả chuối hoặc chế biến thành chè cốm, bánh cốm, chả cốm, cháo cốm….tùy khẩu vị.

Dứa Bản Lầu

Đây là loại dứa chỉ có duy nhất và là một đặc sản khá nổi tiếng của người dân tại Mường Khương. Đến đây bạn sẽ cảm giác như đang lạc vào cánh đồng dứa trải dài vô tận và khó có thể cưỡng lại cái mùi thơm lừng. Mùa dứa ở đây thường có 2 mùa là: xuân hè và thu đông, quả dứa to, mắt căng có vị ngọt sắc, thơm ngon. Đặc biệt với thời tiết càng nhiều nắng thì dứa càng ngon, quả khô và tích mật.

Lạp xưởng lợn đen

Lạp xưởng này đặc biệt ở chỗ được chế biến bằng thịt của giống lợn đen nổi tiếng, thịt rất thơm và ngọt. Quy trình chế biến cũng không hề đơn giản. Để lạp xưởng ngon, người ta phải lựa chọn loại thịt có lẫn mỡ và lạc để không khô và cũng không ngấy khi thưởng thức. Sau đó lạp xưởng được phơi khô khoảng ba nắng rồi mới treo lên gác bếp. Khói và hơi nóng của bếp lửa qua từng ngày làm cho miếng thịt săn hơn và thơm ngon kì lạ.

Phở chua Bắc Hà

Phở truyền thống tại Bắc Hà gồm các loại như: phở chua, phở trộn và phở chan với nhiều thứ nguyên liệu được dùng chung, trong đó, phở chua là món nổi tiếng nhất và hầu như không “đụng hàng” ở bất kỳ nơi đâu. Bánh phở đã tạo nên một sự khác biệt rất lớn không thể lẫn giữa Bắc Hà với các địa phương khác. Bánh phở ở đây không có màu trắng như thường thấy mà hơi nâu nâu, do được tráng từ loại gạo đỏ đặc biệt của địa phương, trồng ở xã Lùng Phình. Mùa đông đến Bắc Hà bạn có thể gặp khó khăn khi muốn tìm món này vì nhiều hàng không bán phở chua.