Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của Làng nghề dệt Dèng A Rưm, thị trấn A Lưới

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL vào ngày 21/11/2019, về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các địa phương, trong đó huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế vinh dự có “Nghề dệt Dèng (thổ cẩm) của người dân tộc Tà Ôi.

Với sự công nhận này, người dân và lãnh đạo chính quyền huyện A Lưới, đặc biệt là thị trấn A Lưới đã nổ lực hết mình để giữ gìn và tiếp tục phát triển làng nghề một cách có hiệu quả, góp phần quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của huyện A lưới cũng như giữ gìn truyền thống văn hóa của các dân tộc huyện A Lưới nói chung và dân tộc Tà Ôi nói riêng.

Truyền thống dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi huyện A Lưới có từ lâu đời và là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo từ thời xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác. Sợi dệt truyền thống được sử dụng là sợi bông, khai thác từ thiên nhiên để tạo sợi và các màu sắc vàng, đen, xanh cho quá trình dệt cũng như tạo hoa văn. Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Dèng ở A Lưới là người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để tạo nên hoa văn, không chỉ tạo bằng những chỉ màu như dệt vải thổ cẩm ở những nơi khác.

Hiện nay, Làng nghề dệt Dèng A Rưm thuộc địa bàn Tổ dân cư 6, Tổ dân phố 4, thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo dòng lịch sử của xã Hồng Nam (cũ), vào khoảng năm 1965 người đồng bào Tà Ôi sinh sống tại vùng này có tên làng A Rưm, vào năm 1976 khi huyện A Lưới được thành lập thì làng có tên gọi là Thôn A Rưm, xã Hồng Nam, huyện A Lưới, khi xã Hồng Nam trở thành thị trấn A Lưới thì làng A Rưm thuộc Tổ dân cư 6, Tổ dân phố 4 của thị trấn A Lưới, huyện A Lưới, thuộc khu vực trung tâm văn hóa huyện A Lưới.

Làng nghề dệt dèng A Rưm, với hơn 50 hộ tham gia nghề dệt dèng, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 2000 tấm vải dèng với nhiều mẫu mã và kích thước khác nhau tùy vào sở thích của người tiêu dùng. Các sản phẩm chủ yếu của Làng nghề là: dệt Dèng (dệt thổ cẩm để may quần áo các loại, khố nam, thắt lưng, ví, gối, túi sách, khăn quàng cổ và các loại sản phẩm mỹ nghệ khác…). Từ khi thành lập Làng nghề dệt Dèng A Rưm, cho dù có nhiều thăng trầm trong quá trình đầu tư, xây dựng và phát triển, những người thợ dệt Dèng của Làng đã luôn luôn cố gắng bảo tồn và phát huy những hoa văn truyền thống của nghề dệt Dèng truyền thống của dân tộc mình, không để thời gian làm mai một.

Hiện nay, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định Làng nghề dệt Dèng A Rưm là một phần không thể thiếu trong người dân thị trấn A Lưới, nó vừa là dệt may để sử dụng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân tộc Tà ôi vừa là sản phẩm để bán ra thị trường kiếm thu nhập góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế gia đình. Ngày xưa, sản phẩm dệt Dèng chủ yếu phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, lao động sản xuất. Ngày nay, nghề dệt Dèng đã dần được quan tâm phục hồi, các sản phẩm nghề dệt Dèng từng bước được nhân dân yêu thích sử dụng trong công sở, trường học và các ngày lễ lớn.

Những giá trị nghệ thuật của dệt Dèng A Lưới là hoa văn trang trí trên nền vải Dèng phản ánh sinh động môi trường cuộc sống, sinh hoạt văn hóa và thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu con người và yêu dân tộc mình. Nghệ thuật trang trí hoa văn thể hiện nét đảm đang, giỏi giang của người phụ nữ dân tộc Tà Ôi nói riêng và các dân tộc huyện A Lưới nói chung cùng hòa chung với dòng chảy nghệ thuật hoa văn trang trí trên vãi thổ cẩm của các cộng đồng dân tộc Việt Nam.

(Nguồn: Khám phá Huế)